THĂNG HOA CUỘC ĐỜI - KỲ 105: NỬA THẾ KỶ MỘT ƯỚC MƠ
View: 944 - Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng 30/04/2025 07:04:15 am
Miền Nam Việt Nam với nền Cộng hòa non trẻ, được thành lập trên nền tảng tự do, dân chủ; dù chưa hoàn hảo nhưng đã cố gắng mở ra một con đường để xã hội hướng tới sự phát triển nhân bản, nền giáo dục tương đối cởi mở, quyền tư hữu được công nhận và đời sống văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, giai đoạn phôi thai này lại đối mặt với chiến tranh, những bất ổn nội bộ nên Miền Nam chưa định hình được nền dân chủ trọn vẹn. Nhưng so với Miền Bắc, nơi được đặt dưới sự cai trị tuyệt đối của Đảng Cộng sản, thì xã hội Miền Nam vẫn hơn hẳn khi giữ được hơi thở tự do. Ở Miền Bắc, kể từ sau cải cách ruộng đất và phong trào "đấu tố" những thập niên 1950, một chế độ độc đoán đã được thiết lập. Đảng Cộng sản trở thành lực lượng duy nhất nắm quyền, và mọi hình thức tư tưởng khác biệt đều bị xem là phản động. Tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo bị kiểm soát nghiêm ngặt. Người dân sống trong cảnh thường xuyên đối mặt với đói kém, họ buộc phải hy sinh với khái niệm "cách mạng," trong khi đời sống vật chất lẫn tinh thần vô cùng điêu linh.
Chiến tranh kéo dài càng ác liệt, cả hai miền đều không chỉ chiến đấu vì lãnh thổ, mà còn vì một mô hình tương lai cho đất nước. Phía Bắc cho rằng chiến đấu để gọi là "giải phóng Miền Nam", còn phía Nam quyết tâm bảo vệ sự tồn tại của một quốc gia độc lập, tự do, không bị Cộng sản xâm lược.
Người dân là nạn nhân, hàng triệu người chết, bị thương, hoặc mất tích. Những làng quê yên bình trở thành bãi chiến trường. Trẻ thơ lớn lên giữa tiếng bom rơi, máu đổ, gia đình ly tán, bạn bè trở thành kẻ thù chỉ vì đứng ở hai bên chiến tuyến. Dù nhìn từ phía nào, cuộc chiến cũng là một thảm trạng của dân tộc nơi máu của đồng bào đổ xuống cho những quyết định mà người dân không hề lựa chọn. Bây giờ sau năm mươi năm quốc hận từ một khoảng cách lịch sử của nửa kiếp người cho phép tôi nhìn lại; giả dụ như quê hương không bị chia cắt, nếu Việt Nam không bị lôi kéo vào cuộc cờ của những cường quốc thì dân tộc không phải chịu đựng biết bao mất mát, đau thương, và chia rẽ dai dẳng kéo dài đến tận hôm nay.
Ngày Quốc hận Ba mươi tháng Tư năm Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, Miền Nam gục ngã, không chỉ là một cột mốc lịch sử, mà còn là vết thương chưa thể lành trong lòng những người từng sống, từng yêu, từng chiến đấu vì một nền tự do ngắn ngủi nhưng đầy khí phách. Qua những giờ phút cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ, người ta vẫn còn mục kích những trang sử oai hùng được viết bằng máu, bằng nước mắt và bằng trái tim của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, những người chưa từng đầu hàng số phận, dù hoàn cảnh đã quay lưng với họ.
Tôi đọc trang quân sử viết về trận chiến Xuân Lộc trong tác phẩm “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” của tác giả Nguyễn Tiến Hưng, bản hùng ca cuối cùng của một đạo quân từng làm Cộng sản phải e ngại. Trong thế trận bị vây ép, nơi mà Việt Cộng có quân số và hỏa lực gấp nhiều lần, những người lính thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh vẫn kiên cường tử thủ, với tinh thần không lùi bước. Thật đáng ngưỡng mộ! Nếu không có những quyết định chính trị bất lợi từ thượng tầng như việc bỏ ngỏ hai Quân khu chiến lược khi chưa giao tranh (Quân khu I từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Quân Khu II bao gồm vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ) thì có lẽ những địa danh như Xuân Lộc là niềm hy vọng chưa tắt vội nơi hàng triệu trái tim Miền Nam.
Than ôi! Cuộc chiến không chỉ thua vì đạn pháo mà vì sự đơn độc khi đồng minh lớn nhất bất ngờ quay lưng, phủi tay rút lui, Miền Nam bỗng trở thành một chiến địa trống trải, chống chọi trong tuyệt vọng với một đạo quân Bắc Việt vừa được hậu thuẫn mạnh mẽ từ Liên Xô và Trung Cộng. Tại Washington DC, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford tuyên bố chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt!!! Nhưng thực ra, đó là dấu chấm hết cho niềm tin của người dân Miền Nam vào một nền tự do cần được bảo vệ đến cùng.
Chiến tranh được xem như chấm dứt vào ngày Ba mươi tháng Tư năm Bảy lăm, nhưng với hàng triệu người dân Miền Nam, đó không phải là khởi đầu của hòa bình, mà là bước vào một giai đoạn đen tối kéo dài, nơi niềm hy vọng bị thay thế bằng sợ hãi, bất lực và khốn cùng. Một chế độ mới lên ngôi, không qua lá phiếu của nhân dân, mà bằng họng súng, xe tăng và khủng bố.
Ngay sau ngày quốc hận thì hàng trăm ngàn sĩ quan, viên chức, cán bộ và những người từng phục vụ cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị gọi đi “học tập cải tạo”, một từ ngữ nhẹ nhàng, nhưng đó là tấm vé “one way” vào những trại giam khắc nghiệt, không án, không ngày về. Bao nhiêu mái đầu xanh, tầng lớp trí thức, thanh niên ưu tú có đào tạo bị giam đến năm, mười, thậm chí hai mươi năm trong rừng sâu, núi thẳm. Những con người từng cầm súng chiến đấu cho lý tưởng tự do phải lao động khổ sai, thiếu ăn, bịnh tật, và không ít trong số đó đã chết âm thầm nơi rừng thiêng nước độc…trong lúc đó những thân nhân ngoài xã hội thì bị kỳ thị, lùa đi vùng kinh tế mới, cướp nhà, cướp của, cướp mất tương lai.
Sài Gòn và các tỉnh Miền Nam lúc đó bị nhà đương quyền Cộng sản đánh vào các giới thương nhân những đòn thù "cải tạo công thương nghiệp tư sản mại bản". Tài sản bị quốc hữu hóa, nhiều người hóa thành vô sản chỉ sau một đêm. Chưa dừng lại ở đó, Cộng sản ra lệnh hai lần đổi tiền, cú giáng đau đớn vào những người dân vốn đã nghèo thì mỗi gia đình chỉ được đổi một số tiền nhất định, còn lại bị tịch thu hết sạch. Của cải tích góp cả bao nhiêu đời tan thành mây khói.
Miền Nam, từng được biết đến với nền kinh tế năng động, Sài Gòn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, có đời sống văn minh, văn hóa cởi mở và thị trường tự do hơn cả Thái Lan, Hàn Quốc hay Singapore. Thế mà chỉ sau vài năm bị đặt dưới sự kiểm soát của kinh tế tập trung bao cấp, cả nước rơi vào cảnh khốn khó. Người dân Miền Nam lần đầu phải ăn bo bo, loại ngũ cốc từng dành cho gia súc, thời kỳ mà người ta chào nhau bằng câu: "Có gì ăn chưa?"
Tôi từng sống ở Sài Gòn trước năm Bảy lăm, ký ức về một thành phố rực rỡ ánh đèn, nhộn nhịp tiếng nhạc, tự do đi lại và báo chí đầy thông tin, thì sau ngày Sài Gòn sụp đổ thật là một cơn ác mộng. Thành phố ngọc ngà bị đổi tên, các đường lộ xóa bỏ những danh nhân lịch sử kiểu như “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý, Đồng Khởi vùng lên diệt Tự Do”.
Chưa dừng lại ở đó, cuối năm Một ngàn chín trăm bảy mươi tám, Việt Cộng bước vào cuộc tàn sát với Campuchia. Biên giới Tây Nam rực lửa. Hàng trăm ngàn thanh niên bị đưa đi nghĩa vụ quân sự, chết nơi rừng sâu, đất lạ! Rồi tháng Hai năm Bảy mươi chín, Trung cộng tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc, lấy cớ “dạy cho Việt Nam một bài học”, lúc ấy, người dân Miền Nam vốn đã kiệt quệ, lại càng thêm hoang mang khi cả đất nước bị cuốn vào một vòng xoáy xung đột chưa có hồi kết.
Biển Đông tiếp tục dậy sóng, Hoàng Sa đã bị Trung cộng cưỡng chiếm từ tay Hải quân Việt Nam Cộng Hòa năm Một chín bảy mươi tư rồi đến thập niên tám mươi, Trung Cộng tiếp tục xâm lấn Trường Sa, biển đảo mất dần, ải Nam Quan, thác Bản Giốc đổi chủ còn dân chúng thì oằn mình trong đói nghèo, thiếu thốn và sợ hãi.
Việt Nam từng có cơ hội phát triển như Hàn Quốc hay Singapore với tiềm lực, vị trí địa dư và nhân lực dồi dào, không thua kém Thái Lan, Đài Loan; vậy mà chỉ sau vài năm Cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam bằng bạo lực thì Sài Gòn chìm sâu trong nghèo đói, bất ổn và áp bức. Một giấc mộng về độc lập, tự do, hạnh phúc của toàn dân đã bị phản bội bằng chính thực tế đắng cay của nhà đương quyền Cộng sản.
Tôi bị đi tù bởi tội danh “Phản Động” tại trại Kim Sơn, Nước Nhóc, Nghĩa Điền tỉnh Bình Định và “Vượt biên trái phép” tại Rạch Nò tỉnh Kiên Giang suốt sáu năm, sau những ngày tháng tù đày dường như thời gian cứ đứng yên giữa rừng sâu, mỗi phút trôi qua chỉ còn lại sự chờ đợi mông lung và nỗi khắc khoải vô hình… Rốt cuộc, tôi lại được trở về nhà với hai bàn tay trắng, gia đình ly tán, nhà cửa bị tịch thu, bạn bè tản mác mỗi người một nơi. Cuộc sống ngoài kia không còn gì thân thuộc nữa, nhưng điều đè nặng nhất lên trái tim tôi không phải là cái đói, cái nghèo, mà là cảm giác bị tước mất quyền làm người, không còn đất để sống trên chính quê hương mình.
Tôi đã quyết định ra đi. Lần đầu bị bắt, lần thứ hai thất bại, rồi lần thứ ba chuyển sang đường bộ Campuchia nhưng cũng không lọt khỏi biên thùy… Cứ mỗi lần thất bại là một lần mất hy vọng, mất thêm chút lòng tin và vàng bạc hao hụt. Tôi đã từng nằm co ro trong hầm tàu chật hẹp, từng bị công an bắt giữa rừng ngập mặn, từng thấy người đi chung bị bỏ mạng vì sốt rét, đói khát hay chỉ một tiếng súng bất ngờ nổ giữa đêm khuya. Tuy vậy, tôi không thể quay lại vì không còn gì để mất, cũng không còn gì để sợ hơn nữa.
Chuyến đi thứ bảy, con số tưởng là xui xẻo ấy, lại là cánh cửa mở ra sự sống. Chúng tôi lênh đênh trên biển gần ba tuần lễ. Nước ngọt, thức ăn, củ sắn không còn, trẻ thơ khóc ngặt vì khát sữa, người lớn cầu nguyện và cứ lần lượt ra đi vì đói khát nên phải thủy táng theo dòng chảy đại dương. Mỗi lần thấy một đốm sáng xa tít ngoài khơi, chúng tôi nín thở, dán mắt nhìn trông nhưng không biết đó là tàu quốc tế hay hải tặc. Giữa trời đất mênh mông vô tận, nước biển đen hơn mực tàu, mạng sống con người mong manh như một sợi chỉ treo mành.
Tôi đã may mắn không bị bọn cướp biển sát hại, không bị cá mập nuốt chửng, không chết chìm trong bóng tối kinh hoàng của biển cả như những người đồng hành trên con thuyền ọp ẹp này. Tôi đặt chân lên đảo Palawan , một hòn đảo nhỏ bé nằm ở phía tây của Philippines, nhưng với tôi lúc ấy, đó là thiên đường bao la vô tận. Tôi vẫn nhớ y như rằng buổi sáng đầu tiên khi chân vừa chạm bờ cát, người run lẩy bẩy, nước mắt tuôn trào, không biết tương lai sẽ đi về đâu, nhưng ít nhất, tôi đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Tôi là một trong những người may mắn “thập tử nhất sanh” để ngồi đây tâm sự, chứ có những con thuyền đã ra khơi và không bao giờ trở về; có những đứa trẻ chưa kịp hiểu thế nào là tự do đã nằm lại dưới đáy đại dương, và có biết bao mái đầu bạc đã mòn mỏi chờ đợi nơi quê nhà, không bao giờ còn gặp lại người thân dù chỉ một cái tin sống chết. Thật ra vượt biên không phải là tội, đó là hành động cuối cùng của những con người muốn được sống đúng nghĩa là con người, với tự do, phẩm giá và niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn.
Sau những tháng ngày tạm trú ở trại tị nạn Palawan, rồi chuyển qua Transit Bataan để được định cư tại Hoa Kỳ, một miền đất xa lạ, nhưng mang theo hy vọng lớn lao của cuộc đời được bắt đầu từ con số không, tôi đến đây với đôi bàn tay trắng, ít vốn liếng tiếng Anh và tuổi trẻ năng động dù ít nhiều đã bị mài mòn bởi chiến tranh, tù đày và vượt thoát. Nhưng nơi này tôi học được một điều rằng nếu chăm chỉ, trung thực và không ngừng học hỏi, cơ hội sẽ mở ra vô tận. Hoa Kỳ không hứa hẹn điều gì dễ dàng, nhưng luôn sẵn lòng hỗ trợ những ai chịu dấn thân, không đầu hàng số phận.
Tôi vừa làm vừa học, những công việc tay chân chẳng bao giờ làm tôi thấy chán nản. Ngược lại, chính nhờ những công việc ấy, tôi từng bước dựng lại cuộc sống, từng chút một gom góp cho tương lai, điều chỉnh cuộc sống trong một xã hội xa lạ nhưng công bằng.
Nơi định cư mới không đơn độc, bên tôi có cộng đồng người Việt đến trước, có nhiều gia đình, bạn bè cũng trôi dạt sau biến cố tháng tư đen, cũng từng vượt biển, từng trắng tay, cũng ly tán và cũng đang gắng sống một cách lương thiện, tử tế. Mỗi người là một hoàn cảnh, một nỗi đau, nhưng ai cũng mang trong mình một niềm tin mãnh liệt, hễ còn sống là còn vươn lên.
Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ là xứ sở của tự do không chỉ cho tôi một mái nhà, mà còn cho cơ hội thăng hoa cuộc đời. Khi có đủ trình độ, khả năng và quyết tâm nỗ lực, các trường cao đẳng, đại học đã mở cửa đón tôi như chào một người bạn mới. Tôi tiếp tục con đường học vấn vốn dĩ đã bị chiến tranh, lao tù ngăn trở suốt bao năm tháng tuổi trẻ. Vừa học, vừa làm, vừa sống, vừa đấu tranh, tôi từng bước đi vào cuộc đời bằng đôi chân của mình. Tôi tham gia vào sinh hoạt Cộng đồng, tranh đấu cho một Việt Nam không Cộng sản, cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền và phẩm giá con người. Điều này không phải là sự hận thù mà là tiếng nói của công lý, của tình yêu quê hương theo cách không chấp nhận sự im lặng trước bất công.
Tôi chọn vào ngành giáo dục, trở thành giảng viên đại học là một biến chuyển lớn không chỉ cho cá nhân mà còn là niềm vui được truyền lửa tri thức cho thế hệ mai sau. Mỗi lớp sinh viên đều mang trong mình một câu chuyện, một tương lai. Có những em sinh ra trong các gia đình tị nạn, với tâm thế đầy tự hào nhưng vẫn mang theo khát khao hòa nhập. Cũng có nhiều du học sinh đến từ Việt Nam, cam phận và tò mò, mang theo nỗi khắc khoải riêng giữa khoảng cách văn hóa và chính trị.
Một điều thú vị, đôi khi cũng buồn cười là những cuộc tranh luận giữa sinh viên tị nạn và du học sinh. Các em sinh ra và lớn lên ở Hải ngoại, tiếng Việt còn nhiều giới hạn, thường "bí" giữa chừng và chuyển sang tiếng Anh đầy sôi nổi. Ngược lại, các em du học sinh đến từ Việt Nam lại không thật sự thành thạo tiếng Anh, nên đành lúng túng. Và thế là tôi trở thành trọng tài… bất đắc dĩ, người "phiên dịch" ngôn ngữ nhưng cũng là người kết nối hai thế giới Việt Nam.
Thế hệ trẻ trưởng thành tuyệt vời ở môi trường tự do. Sau khi tốt nghiệp, phần lớn đều tìm được công việc tốt vào các công ty lớn, có em chọn đi theo con đường phục vụ công quyền, tham gia chính quyền dòng chính, góp phần định hình tương lai cho đất nước thứ hai của mình. Đó là thành quả xứng đáng cho một thế hệ sinh ra trong gian nan nhưng không đầu hàng, khuất phục.
Trên đất nước này Cộng đồng người Việt Hải ngoại vẫn luôn giữ lửa văn hóa. Các trường Việt ngữ mọc lên trong các chùa, nhà thờ, trung tâm văn hóa… nơi mà tiếng mẹ đẻ được gìn giữ như một phần hồn dân tộc. Chúng ta không dạy con cháu để chỉ biết nói tiếng Việt, mà còn để chúng hiểu được nỗi đau, niềm kiêu hãnh và gốc rễ của một dân tộc từng bị chia lìa, sụp đổ và tái thiết.
Quốc hận 50 năm nhìn lại chính mình, từ người vượt biển tay trắng phải vươn lên để sống, dõng mãnh và tự tin, tôi không khỏi xúc động vì đó chẳng là thành công cá nhân, mà là minh chứng cho tinh thần Việt Nam: “Dù lưu vong, vẫn vươn lên sống mạnh. Dù xa quê hương, vẫn không quên nguồn cội”.
Năm mươi năm sau ngày Miền Nam sụp đổ, ngày mà lịch sử tỵ nạn tưởng niệm “quốc hận” thì trong tim tôi vẫn mang một ước mơ chưa bao giờ tắt: ước mơ một nước Việt Nam không còn Cộng sản, không còn hận thù, không còn chia rẽ vì quá khứ hay ý thức hệ. Một đất nước nơi mà quyền tự do bầu cử được tôn trọng, nơi người dân có quyền chọn lựa người lãnh đạo mình bằng lá phiếu, chứ không phải qua súng đạn, áp lực hay tuyên truyền.
Tôi tin rằng ngày ấy, khi chế độ vì dân và do dân bầu lên được thiết lập, thì lớp thanh niên trí thức gốc Việt ở Hải ngoại sẽ không ngần ngại quay về. Thế hệ trẻ là những anh tài được đào luyện tại những đại học hàng đầu thế giới sẽ mang về cho quê hương không chỉ kiến thức khoa học, kỹ thuật, kinh tế, nhân văn, mà còn là tư duy tự do, tinh thần trách nhiệm và đạo đức phục vụ. Đó là tài nguyên quý giá nhất mà Việt Nam hậu Cộng sản có thể kỳ vọng.
Việt Nam không thiếu người tài, chỉ thiếu những lãnh đạo chân chính và một môi trường tự do để những tài năng có thể cống hiến mà không bị nghi ngờ, kìm hãm, hay kiểm soát tư tưởng. Khi ấy, một nền hành chính minh bạch, một nền giáo dục khai phóng và một xã hội pháp trị thực sự sẽ đưa đất nước vươn lên, vượt qua cả những quốc gia tuy giàu có nhưng đang thiếu nhân lực, tài nguyên và địa lý.
Tôi mơ một ngày được tự do đi dọc đất nước từ Nam chí Bắc mà không cần phải sợ bị theo dõi, không cần phải giữ ý khi nói chuyện với người lạ. Một vùng trời mà người trí thức được trân trọng, người lương thiện được khuyến khích, bảo vệ và người dân có thể sống an vui, hạnh phúc, không cần bỏ xứ ra đi để tìm tự do khao khát sự thật cho cuộc sống.
Bằng vào niềm tin ấy thì thế hệ mai sau ở trong nước sẽ không còn phải tìm đường vượt biển, không bị xuất cảng lao động, làm dâu xứ người; thay vào đó, lớp trẻ Hải ngoại không còn phải gói ghém quá khứ trong nỗi buồn lưu vong, hiên ngang trở về bằng hành trang là kiến thức và tình yêu quê hương hầu dựng lại những gì đã mất, xây nên một nước Việt Nam hùng cường, độc lập, tự do và nhân ái.
Nếu như thời gian quay chậm mà thế hệ chúng tôi không thể thấy ngày ấy trở thành hiện thực thì mong sao từng dòng chữ này sẽ là một lời nhắn nhủ cho thế hệ kế tiếp rằng, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, thì người Việt Nam vẫn luôn giữ được phẩm giá, lòng yêu nước, sự tự tin và ước mơ phục hồi quê hương trong tinh thần nhân bản, tự chủ.
San Jose 30/4/2025
Nguyễn Hồng Dũng